Sự bùng nổ của công nghệ 4.0 đòi hỏi mọi doanh nghiệp phải thay đổi theo thời đại để tồn tại và phát triển, các chiến lược Marketing cũng được thay đổi và định hình theo tình hình phát triển của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong tương lai, Marketing truyền thống sẽ ngày càng kém hiệu quả và phải nhường “sân chơi” cho các chiến dịch Marketing hoạt động dựa trên các nền tảng công nghệ (Digital Marketing). Vậy giữa hai loại hình Marketing này có điểm gì giống và khác nhau để doanh nghiệp biết cách khai thác và áp dụng? Hãy cùng MISA AMIS so sánh Marketing truyền thống và Marketing hiện đại trong bài viết dưới đây.

So sánh Marketing truyền thống và Marketing hiện đại
So sánh Marketing truyền thống và Marketing hiện đại

I. So sánh Marketing truyền thống và Marketing hiện đại: giống & khác nhau như thế nào?

1. Sự khác nhau giữa Marketing truyền thống và Marketing hiện đại

1.1 Khái niệm

  • Marketing truyền thống

Marketing truyền thống chỉ tập trung vào sản phẩm của doanh nghiệp và các chiến lược Marketing nhằm mục đích sản xuất, tiếp thị sản phẩm và thu được nhiều lợi nhuận nhất có thể, hoạt động offline và không sử dụng công nghệ, Internet. Phương thức Marketing này hoạt động với định hướng chủ yếu là lợi nhuận đem về cho doanh nghiệp, ngoài ra không chú trọng nhiều tới yếu tố khách hàng. Khái niệm Marketing truyền thống là một chiều vì mục tiêu duy nhất của nó là bán sản phẩm và thu được lợi nhuận.

Marketing truyền thống
Marketing truyền thống
  • Marketing hiện đại

Khái niệm Marketing hiện đại tập trung vào nhu cầu và mong muốn của khách hàng nhằm đáp ứng sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Marketing hiện đại dựa trên khái niệm tiếp thị mới và đề cập đến tính đa chiều vì cùng với việc bán sản phẩm và thu được lợi nhuận, nó cũng nhấn mạnh đến sự hài lòng của khách hàng, lập kế hoạch, dịch vụ chăm sóc khách hàng sau bán và nhiều biến số khác trong hành trình khách hàng.

1.2 Đối tượng tiếp cận

  • Marketing truyền thống

Những nhóm người dùng khác nhau là các đối tượng mà phương thức Marketing truyền thống hướng tới. Những thông điệp được truyền tải một cách dễ hiểu và doanh nghiệp sẽ không gặp quá nhiều khó khăn khi giới thiệu, giải thích về sản phẩm, dịch vụ của mình đến đúng đối tượng khách hàng tiềm năng.

Marketing truyền thống phân vùng đối tượng tiếp thị trong phạm vi hẹp là những khách hàng địa phương, nằm trong một thành phố hoặc khu vực cụ thể. Doanh nghiệp có thể tiếp cận tới họ mà không cần sự hỗ trợ của Internet.

  • Marketing hiện đại

Để thích nghi với những biến đổi của thị trường và sự phát triển của khoa học, công nghệ, các chiến lược Marketing hiện đại tiếp cận khách hàng dựa trên nền tảng kỹ thuật số và Internet. Mọi thiết bị có kết nối Internet đều có thể có sự xuất hiện của những thông điệp quảng cáo của doanh nghiệp.

Marketing hiện đại tiếp cận khách hàng dựa trên nền tảng kỹ thuật số và Internet
Marketing hiện đại tiếp cận khách hàng dựa trên nền tảng kỹ thuật số và Internet

Phạm vi tiếp cận của các chiến dịch Marketing hiện đại có thể vượt khỏi giới hạn của một quốc gia. Yếu tố này giúp doanh nghiệp thuận lợi xây dựng và tăng mức độ nhận diện thương hiệu ở quy mô toàn cầu.

1.3 Cách thức tiếp thị

  • Marketing truyền thống

Quảng cáo trên truyền hình: Có thể coi đây là hình thức phổ biến nhất của Marketing truyền thống. Hiện nay các kênh truyền hình và đài phát thanh vẫn đang thu hút lượng lớn người xem, nên hình thức tiếp thị này khá hiệu quả, tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng.

Danh thiếp: Là phương thức được áp dụng để quảng bá thông tin của doanh nghiệp đến khách hàng với mức độ chuyên nghiệp cao.

Tờ rơi: Thiết kế đẹp, thu hút và dễ gây ấn tượng là đặc điểm chung của những tờ rơi này. Phương pháp này vẫn khá hiệu quả đối với các chương trình khuyến mại, giảm giá trong thời gian ngắn.

Biển quảng cáo: Cách thức này thường được sử dụng để tiếp thị ngoài trời, có khả năng thu hút lượng lớn người đi đường, tài xế tham gia giao thông.

Biển quảng cáo của Pepsi
Biển quảng cáo của Pepsi
  • Marketing hiện đại

Trang Web trực tuyến: Hiện nay, các doanh nghiệp có cho mình một Website có thông tin về doanh nghiệp và các sản phẩm, dịch vụ là điều rất phổ biến. Để quảng bá cho trang Web của mình, doanh nghiệp có thể sử dụng các nền tảng quảng cáo như Google Ads, Youtube Video Ads…

Mạng xã hội: Được đánh giá là “mảnh đất màu mỡ” thu hút đông đảo người tiêu dùng, mạng xã hội (Social media) giúp doanh nghiệp tiếp cận với rất nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, tương tác trực tiếp với khách hàng và mở ra nhiều cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận.

Email: Email Marketing là phương thức tiếp thị rộng rãi và được ưa chuộng thời điểm hiện tại. Đa số người dùng đều có cho mình một email, đây là cơ hội tuyệt vời cho doanh nghiệp có thể quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình đến khách hàng tiềm năng. 

Email Marketing
Email Marketing

Trang Web thương mại điện tử: Sự chuyển đổi hành vi mua hàng từ mua hàng trực tiếp tại cửa hàng sang mua hàng trên các trang thương mại điện tử đã khiến hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều xây dựng một trang Web thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm giao dịch.

1.4 Mục tiêu hướng tới

  • Marketing truyền thống

Các chiến lược Marketing truyền thống hướng đến mục tiêu duy nhất là bán được càng nhiều sản phẩm, mang về càng nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp càng tốt. Nên trong các chiến dịch Marketing truyền thống, doanh nghiệp luôn muốn nói về sản phẩm của mình tốt như thế nào, các chức năng và công dụng của chúng ra sao.

  • Marketing hiện đại

Marketing hiện đại hướng đến khách hàng và sự hài lòng tối đa từ khách hàng. Mục tiêu dài hạn của Marketing hiện đại là đảm bảo sự hài lòng trong trải nghiệm mua hàng của khách hàng. Từ đó có thể nâng cao khả năng bán hàng cho không chỉ khách hàng mà còn cho những người quen của khách hàng sau khi được giới thiệu về thương hiệu.

2. Điểm giống nhau giữa Marketing truyền thống và Marketing hiện đại

Marketing truyền thống và Marketing hiện đại đều là những biện pháp chủ trương trong kinh doanh nhằm đem lại kết quả kinh doanh cao nhất cho doanh nghiệp. Nhưng từ các đặc trưng của hai loại hình Marketing này có thể kết luận Marketing hiện đại đầy đủ hơn, rộng lớn và trong đó bao gồm cả Marketing truyền thống.

Nếu như Marketing truyền thống được triển khai nhằm tiêu thụ sản phẩm ở khâu lưu thông, thì cao hơn thế, Marketing hiện đại không chỉ bán hàng mà còn đảm nhiệm từ việc phát hiện nhu cầu khách hàng, sản xuất hàng hóa và đưa đến tiêu thụ sản phẩm cuối cùng. Nếu Marketing truyền thống hướng đến tiêu thụ những nhu cầu đã có trên thị trường Marketing hiện đại còn hình thành nhu cầu mới, thay đổi cơ cấu nhu cầu, và làm cho nhu cầu ngày càng phát triển theo sự biến động của thị trường.

Điểm giống nhau giữa Marketing truyền thống và Marketing hiện đại
Điểm giống nhau giữa Marketing truyền thống và Marketing hiện đại

Có thể nói Marketing truyền thống giống như là cái gốc của Marketing hiện đại. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, của khoa học và công nghệ, Marketing hiện đại cũng đã phát triển hơn, bao quát hơn.

II. So sánh ưu nhược điểm của Marketing hiện đại và Marketing truyền thống

1. Ưu điểm

Marketing truyền thống Marketing hiện đại
– Các chiến lược quảng cáo trực quan, sinh động, giúp người dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin về sản phẩm– Bài tiếp thị có giá trị lâu hơn, nhất là các bài đăng trên các trang báo uy tín

– Các biển quảng cáo lớn trên đường khiến người tiêu dùng ghi nhớ lâu hơn một bài quảng cáo trên mạng xã hội

– Tiếp cận được đa dạng đối tượng người dùng qua các kênh và nền tảng khác nhau– Dễ dàng đo lường được hiệu quả của chiến lược tiếp thị thông qua các số liệu được thống kê cụ thể về: lượt tương tác, lượt truy cập, dữ liệu khách hàng…

– Phù hợp với xu hướng “sống nhanh – lướt nhanh” của người tiêu dùng hiện nay

– Các phần mềm, công cụ hỗ trợ ngày càng thông minh, đặc biệt là có khả năng tự động hóa giúp quá trình quảng bá thương hiệu/sản phẩm/dịch vụ được rút ngắn

2. Nhược điểm

Marketing truyền thống Marketing hiện đại
– Khó khăn trong việc đo lường hiệu quả của chiến lược tiếp thị– Chi phí lớn

– Không thể tương tác trực tiếp với người tiêu dùng

– Nếu quảng cáo xuất hiện quá nhiều lần, sẽ làm phiền khách hàng– Các chiến lược mang tính tạm thời, khó để lại ấn tượng sâu sắc trong tiềm thức khách hàng

– Các chiến dịch phải liên tục được cải tiến, điều chỉnh.

III. Các phương pháp Marketing hiện đại doanh nghiệp có thể áp dụng

Marketing ngày nay đóng vai trò trung tâm trong việc chuyển đổi thông tin khách hàng thành các sản phẩm, dịch vụ mới và sau đó định vị các sản phẩm này trên thị trường. Các sản phẩm, dịch vụ mới là câu trả lời của doanh nghiệp trước sự thay đổi sở thích của khách hàng và cũng là động lực của sự cạnh tranh. Khi nhu cầu khách hàng thay đổi, các doanh nghiệp phải đổi mới để làm hài lòng và đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, Marketing hiện đại đóng những vai trò to lớn sau:

1. Tiếp thị truyền thông xã hội

Chiến lược Marketing hiện đại đầu tiên doanh nghiệp có thể sử dụng trong thời đại ngày nay là tiếp thị truyền thông xã hội. Sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội hoàn toàn miễn phí là một cách tuyệt vời để quảng bá về doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ của mình. Doanh nghiệp có thể tiếp cận tới số lượng lớn đối tượng khách hàng tiềm năng. Nhưng hãy đảm bảo doanh nghiệp luôn làm đúng theo nguyên tắc của các nền tảng này (không spam những người theo dõi doanh nghiệp, cung cấp nhiều giá trị hơn tới khách hàng…). Cuối cùng, doanh nghiệp phải đảm bảo rằng các nền tảng truyền thông xã hội đã chọn phù hợp với tổ chức của mình. 

Tiếp thị truyền thông xã hội
Tiếp thị truyền thông xã hội

2. Tiếp thị Email

Email Marketing là một chiến lược tuyệt vời khác hiện nay, đặc biệt là khi hầu hết mọi người kiểm tra email nhiều lần trong ngày. Tiếp thị qua email khác với tiếp thị qua mạng xã hội ở chỗ, đây là cách hiệu quả hơn để doanh nghiệp tiếp xúc với những khách hàng đã gắn bó với thương hiệu, trong khi truyền thông xã hội hiệu quả hơn trong việc thu hút sự chú ý ban đầu của khách hàng về thương hiệu. Doanh nghiệp có thể thu thập email của khách hàng tiềm năng bằng các mẫu đăng ký hoặc thu thập từ những khách hàng đã gửi thông tin chi tiết của họ trong các lần mua trước và theo dõi liên tục và bảo mật thông tin để có kết quả tốt nhất.

3. Tiếp thị liên kết

Doanh nghiệp có thể giới thiệu một chương trình tiếp thị liên kết để khuyến khích các quản trị viên Website khác quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình, để đổi lấy phần hoa hồng sau mỗi đơn hàng thành công. Nếu doanh nghiệp có một sản phẩm hoặc dịch vụ hữu ích và có thể đưa ra mức hoa hồng kết phù hợp, thì sẽ có rất nhiều người muốn bán sản phẩm, dịch vụ đó.

4. Quảng cáo trên Internet

Quảng cáo trên Internet có nghĩa là doanh nghiệp trả tiền để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình trên các nền tảng khác nhau. Có rất nhiều nền tảng trực tuyến sẽ hiển thị quảng cáo của doanh nghiệp khi sử dụng chiến lược này. Ví dụ: Google Adwords và Facebook Ads là hai nền tảng quảng cáo trực tuyến cho phép bạn hiển thị dịch vụ của mình cho các đối tượng được nhắm mục tiêu cao và nhận được nhiều số liệu hơn về cách họ hoạt động so với bất kỳ chiến lược nào khác. Ngoài ra các nền tảng như Zalo Ads, Tiktok Ads cũng đang ngày càng được tiếp cận bởi các Marketers ngày nay.

Quảng cáo Facebook Ads
Quảng cáo Facebook Ads

V. Tổng kết

Qua bài viết này, hy vọng các nhà quản lý có thể có những so sánh về Marketing hiện đại và Marketing truyền thống một cách cụ thể và rõ ràng nhất. Từ những ưu điểm, nhược điểm của từng loại hình Marketing, các nhà quản lý có thể định hướng và xây dựng cho doanh nghiệp những chiến dịch Marketing hiệu quả để nâng cao doanh thu và lợi nhuận.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *