Nhận diện thương hiệu được xem là “bức tranh chân dung” mô tả thương hiệu thông qua tập hợp các yếu tố hữu hình. Nhờ đó, khách hàng có thể dễ dàng phân biệt thương hiệu này với thương hiệu khác. 

Vậy hệ thống nhận diện thương hiệu bao gồm những gì và cách phát triển ra sao? Hãy cùng Maon Agency tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Bộ nhận diện thương hiệu gồm những yếu tố nào?
Bộ nhận diện thương hiệu gồm những yếu tố nào?

I. Nhận diện thương hiệu là gì? 

Nhận diện thương hiệu là tập hợp những yếu tố hiện hữu như logo, hình ảnh, màu sắc,… giúp bạn nổi bật giữa đối thủ cạnh tranh trong tâm trí khách hàng. Hiểu cách khác thì nó phản ánh những gì doanh nghiệp muốn khách hàng cảm nhận, nhớ đến họ khi tương tác với thương hiệu. 

Theo chia sẻ của Jared Rosen, Giám đốc Thương hiệu Cấp cao của Wayfair: “Nhận diện thương hiệu không chỉ đơn giản là tìm một biểu tượng phù hợp đặt trên chiếc cốc hoặc gắn bên ngoài cửa hàng. Đây còn là việc tạo ra một cá tính giúp truyền đi các giá trị cốt lõi của thương hiệu. Ngày nay, nhận diện thương hiệu còn mở rộng trên các nền tảng kỹ thuật số và thậm chí trong các cuộc trò chuyện với khách hàng.”

Như vậy, nhận diện thương hiệu là một khía cạnh của thương hiệu tập trung vào những đặc điểm khác biệt có thể ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng nhờ hệ thống hay bộ nhận diện thương hiệu. 

II. Tầm quan trọng của nhận diện thương hiệu 

Nhận diện thương hiệu là hình ảnh của một công ty mà người tiêu dùng có thể nhìn được, nghe được và cảm nhận được. Đó là lý do vì sao việc xây dựng bộ nhận diện hiệu quả vô cùng quan trọng. 

1. Tạo nhận thức về thương hiệu 

Logo, màu sắc hay các yếu tố hình ảnh thể hiện đặc điểm nhận diện của một thương hiệu. Chính vì thế, khách hàng tìm cách liên kết những yếu tố đó lại với nhau để khi nhắc đến tên hay xem một hình ảnh họ tự động nhớ đến thương hiệu của bạn. Ví dụ hình ảnh quả táo khuyết khiến bạn lập tức nghĩ đến Apple mà không bị nhầm lẫn với các thương hiệu công nghệ khác. 

2. Tạo sự khác biệt trên thị trường  

Nhận diện thương hiệu đóng một vai trò quan trọng trong việc phân biệt doanh nghiệp của bạn với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường. Nó tạo nên sự khác biệt và giúp bạn nổi bật so với các sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự. 

Bởi, các yếu tố nhận diện thường bao trùm tất cả các sản phẩm, hoạt động thương hiệu. Đồng thời, nó giúp truyền đạt những câu chuyện đằng sau để khơi gợi cảm xúc trong khách hàng khi tương tác với từng thành phần nhận diện thương hiệu. Như vậy, hình ảnh nhận diện tạo ra tính “độc nhất” cho thương hiệu, từ đó thúc đẩy quyết định mua của khách hàng.

3. Xây dựng tính cách thương hiệu 

Một hệ thống nhận diện thương hiệu có hiệu quả sẽ giúp xây dựng tính cách doanh nghiệp bằng việc tạo ra một hình tượng độc đáo trong tâm trí khách hàng mục tiêu. Hình tượng này truyền đạt những câu chuyện để khơi gợi cảm xúc tích cực liên quan đến sản phẩm. 

Theo đó, thương hiệu sử dụng các kỹ thuật xây dựng nhận diện liên kết với tất cả sản phẩm, hoạt động thương hiệu. Ví dụ logo của thương hiệu thời trang cao cấp Louis Vuitton đã trở thành một biểu tượng có giá trị vượt thời gian. Lấy cảm hứng từ các phông chữ la mã cổ đại, chữ V chồng lên chữ L theo kiểu viết tay là minh chứng cho sự bền bỉ và sang trọng. 

4. Tạo ra sự nhất quán 

Có một hệ thống nhận diện thương hiệu vững chắc là nền tảng cho việc sáng tạo những thông điệp và chiến dịch truyền thông nhất quán. Khi mà các hoạt động thương hiệu bám sát những chỉ dẫn từ bộ nhận diện thương hiệu sẽ tạo sự ghi nhớ sâu sắc trong nhận thức của khách hàng. 

Trong chiến dịch tái định vị của Biti’s với dòng sản phẩm Biti’s Hunter, nguồn năng lượng tuổi trẻ bao trùm từ logo khỏe khoắn đến hình ảnh thiết kế năng động, trẻ trung trên mọi nền tảng truyền thông. 

III. 7 yếu tố trong bộ nhận diện thương hiệu 

Sau khi hiểu được tầm quan trọng của nhận diện thương hiệu, nội dung tiếp theo trong bài viết sẽ giới thiệu một số yếu tố trong bộ nhận diện thương hiệu. 

1. Tên thương hiệu 

Tên là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong nhận diện thương hiệu. Không có tên công ty không thể kinh doanh và không thể thực hiện hoạt động marketing. Và khi nghĩ về một thương hiệu, tên là thứ thường xuất hiện đầu tiên trong trí nhớ khách hàng. 

Theo đó, một cái tên mang lại hiệu quả thường ngắn gọn, dễ nhớ, dễ viết, dễ đọc và không dễ nhầm lẫn với thương hiệu khác. Ngoài ra, tên thương hiệu nên mang tính biểu tượng cao, gợi liên tưởng đến sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Ví dụ như Vietnam Airline sử dụng từ “airline” mang ý nghĩa là hãng hàng không hay thương hiệu Bò tơ quán mộc chuyên kinh doanh các món ăn từ thịt bò. 

Logo là một trong những thành phần dễ nhận biết nhất trong bộ nhận diện thương hiệu. Bởi vì nó thường kết hợp với tên thương hiệu và sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng cao. Đồng thời, Logo cũng được xuất hiện ở khắp mọi nơi như văn phòng, biển quảng cáo, website, email và rất nhiều phương tiện truyền thông khác nhau nên rất thường được biết đến nhiều nhất trong hệ thống nhận diện thương hiệu. 

Một logo thường mang 3 vai trò như sau: nhận diện, tạo khác biệt và ghi dấu ấn. Điều này có nghĩa là nó đại diện cho thương hiệu một cách khách quan nhất, tạo sự khác biệt với logo của đối thủ cạnh tranh và giúp khách hàng dễ dàng ghi nhớ. 

Hầu hết, các thương hiệu lựa chọn logo chứa cả tên và biểu tượng để bổ sung ý nghĩa cho nhau. Cách thể hiện kiểu này vừa nhấn mạnh tên vừa truyền tải nét đặc trưng riêng, cốt lõi của sản phẩm. Ví dụ như Nike, KFC, LG. Bên cạnh đó, cũng có nhiều thương hiệu chỉ sử dụng tên như DHL, Netflix hay chỉ sử dụng biểu tượng như Apple, Starbuck,…

Logo một số thương hiệu nổi tiếng thế giới – Nguồn sưu tầm
Logo một số thương hiệu nổi tiếng thế giới – Nguồn sưu tầm

3. Màu sắc 

Trong tất cả các thành phần của bộ nhận diện thương hiệu, màu sắc là yếu tố thu hút cảm xúc nhất và là công cụ quan trọng để tạo sự khác biệt và thiết lập tâm trạng cho thương hiệu của mình. Do đó, doanh nghiệp cần thận trọng khi lựa chọn màu sắc chủ đạo trong nhận diện. 

Ví dụ, hãy xem màu nâu vàng trong logo của tập đoàn logistics toàn cầu UPS mang lại thành công như nào. Thực tế, màu nâu không phải là màu yêu thích của nhiều người nhưng công ty đã quyết định sử dụng nó từ ngày đầu thành lập để phản ánh sự đẳng cấp sang trọng và chuyên nghiệp. 

Đến nay, công ty đã biến nó thành đặc điểm nhận diện mang tính biểu tượng của họ và trở thành big idea trong chiến dịch marketing: “Màu nâu có thể làm gì cho bạn?”. Màu nâu xuất hiện trên đồng phục của hơn ba trăm nghìn nhân viên trên toàn thế giới và toàn bộ hệ thống xe vận tải của UPS. Sự đồng bộ này trong màu sắc đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khách hàng của UPS. 

Mặc dù, nhiều thương hiệu thường sử dụng một màu chủ đạo nhưng họ cũng phát triển một bảng màu để đem lại sự đa dạng, bắt mắt trong các ấn phẩm marketing.

4. Kiểu chữ 

Kiểu chữ thường ít được chú ý hơn nhưng nó lại là chìa khóa mang lại sự tinh tế cho thương hiệu. Khi thiết kế phông chữ, doanh nghiệp nên cân nhắc một số vấn đề để đưa ra lựa chọn phù hợp như sau: 

  • Doanh nghiệp muốn gửi gắm tính cách nào qua phông chữ?
  • Phông chữ khác biệt hay dễ đọc sẽ thích hợp với sản phẩm?
  • Phông chữ trông hiện đại hay truyền thống?
  • Có cần nhiều hơn một phông chữ hay không? 

Ngoài ra, theo tổng hợp từ 99designs.com, để đạt hiệu quả về mặt thị giác ở khoảng cách xa thương hiệu nên cân nhắc sử dụng các phông chữ đơn giản như San-Serif. Hoặc nếu ứng dụng nhiều trên các nền tảng công nghệ số thì các kiểu chữ tối ưu hóa trên cả giao diện nhỏ và màn hình lớn là lựa chọn tối ưu. 

Các loại phông chữ
Các loại phông chữ

5. Slogan/Tagline 

Slogan/ Tagline hay còn gọi là khẩu hiệu. Thực tế, không phải công ty nào cũng có khẩu hiệu và không phải khẩu hiệu nào cũng mang lại giá trị cho thương hiệu. Bốn vai trò dễ thấy nhất của slogan đó là: 

  • Mô tả ngắn gọn những gì bạn có. Ví dụ Biti’s- Nâng niu bàn chân Việt 
  • Thể hiện một thuộc tính thương hiệu. Ví dụ Big C: Giá rẻ cho mọi nhà 
  • Thể hiện định vị thương hiệu. Ví dụ Apple: Think different – Nghĩ khác biệt
  • Giúp khách hàng ghi nhớ thương hiệu

Có thể thấy khẩu hiệu là một cách tuyệt vời để thể hiện các giá trị mà thương hiệu theo đuổi, vừa đầy đủ lại gây ấn tượng mạnh tới khách hàng. 

6. Bộ nhận diện văn phòng

Nhận diện văn phòng được xem là công cụ thể hiện sự chuyên nghiệp, đồng bộ nhằm tăng niềm tin của khách hàng đối với doanh nghiệp. Một bộ nhận diện văn phòng đầy đủ bao gồm tất cả những ấn phẩm sử dụng nội bộ và giao thiệp bên ngoài như: 

  • Name card
  • Phong bì thư
  • Bìa báo cáo
  • Thẻ nhân viên
  • Đồng phục nhân viên
  • Sổ viết,…
  • Chữ ký email,…

Tất cả vật phẩm này thường được thiết kế cùng một phong cách, màu sắc, họa tiết với logo nhằm tạo ra sự đồng nhất trong hệ thống nhận diện thương hiệu. 

Bộ nhận diện văn phòng
Bộ nhận diện văn phòng

7. Phương tiện truyền thông, marketing 

Phương tiện truyền thông là kênh truyền tải thông điệp, giá trị của thương hiệu tới khách hàng. Do đó từ phong cách thiết kế, màu sắc, kiểu chữ, hình ảnh chủ đạo cần thống nhất trên mọi nền tảng. Thông thường, logo được sử dụng làm hình ảnh đại diện trên các trang thông tin chính thức của thương hiệu. Một số ấn phẩm truyền thông phổ biến bao gồm: 

  • Kênh facebook: ảnh profile, ảnh bìa, poster, …
  • Website: giao diện website, banner, tiêu đề sidebar, …
  • Kênh instagram: ảnh hồ sơ, ảnh bài đăng, …
  • Kênh linkedin: ảnh bìa, …
  • Email Marketing: Template,…
  • Các ấn phẩm in ấn: tạp chí nội bộ, sales kit,…

IV. Cách xây dựng bộ nhận diện thương hiệu 

1. Hiểu về thương hiệu

Để đảm bảo bộ nhận diện phù hợp với các giá trị thương hiệu, phản ánh tính cách và truyền đạt toàn bộ câu chuyện thương hiệu, trước tiên, bạn cần có hiểu biết sâu sắc về thương hiệu đó. 

  • Sứ mệnh thương hiệu là gì? 
  • Đâu là giá trị cốt lõi của thương hiệu? 
  • Tính cách thương hiệu hiện tại và tương lai? 
  • Định vị thương hiệu (cách khiến bạn trở lên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh)

Đây là những câu hỏi cần trả lời trước khi hình thành các ý tưởng về bộ nhận diện thương hiệu. Bạn nên suy nghĩ cẩn thận và liên kết chúng với nhau trước khi bắt tay vào thiết kế.

2. Nghiên cứu về khách hàng và đối thủ cạnh tranh

Việc xây dựng nhận diện thương hiệu chính là tạo ra sự khác biệt và khiến nó trở thành duy nhất. Do đó, bên cạnh việc hiểu đối thủ cạnh tranh là ai, bạn cần biết làm sao để thương hiệu mình nổi bật trong tâm trí khách hàng mục tiêu

Đối tượng mục tiêu dễ bị thu hút bởi điều gì và tiếp cận bằng cách nào? Đối thủ cạnh tranh đang sử dụng bộ nhận diện nào và có hiệu quả không. Từ đó phát hiện ra điểm chạm giúp bạn chiến thắng trong nhận thức của khách hàng. 

3. Viết brief về thương hiệu 

Khi hoàn thành các bước trên là lúc bạn có thông tin cần thiết để bắt đầu thiết kế. Tuy nhiên, người thiết kế nhận diện thương hiệu không nên bắt đầu ngay. Hãy vạch ra một bản brief, trong đó trình bày những định hướng cốt lõi cho hệ thống nhận diện. Điều này đảm bảo đội ngũ thiết kế không bị chệch hướng trong quá trình sáng tạo.

4. Thiết kế các yếu tố nhận diện

Bộ nhận diện là một hệ thống thiết kế phức tạp. Tùy vào đặc thù của từng sản phẩm mà mỗi doanh nghiệp lựa chọn thành phần nhận diện thương hiệu khác nhau. 

Ví dụ như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, hàng không thì nhận diện qua đồng phục nhân viên phục vụ là điều cần thiết. Trong khi đó, các bộ phận khối back office của các công ty phát triển phần mềm ít có sự tương tác trực diện với khách hàng thường bỏ qua yếu tố này để tối ưu chi phí. 

Các yếu tố trong bộ nhận diện thương hiệu đều có ảnh hưởng lẫn nhau và thông thường logo là linh hồn của bộ nhận diện thương hiệu. Khi sáng tạo xong logo, những thành phần khác dễ dàng được phát triển cho phù hợp. 

5. Xây dựng brand guidelines 

Bước cuối cùng trong xây dựng nhận diện thương hiệu là đưa ra quy chuẩn, hướng dẫn sử dụng trong brand guideline. Đây là thước đo chuẩn mực cho việc sử dụng bộ nhận diện thương hiệu.

Thông thường, các yếu tố được đưa vào brand guideline thường có vai trò quan trọng trong bộ nhận diện. Một chỉ dẫn đầy đủ bao gồm cách sử dụng logo, màu sắc, phông chữ và quy chuẩn ấn phẩm truyền thông.

V. Lưu ý để xây dựng nhận diện thương hiệu mạnh 

Một bộ nhận diện thương hiệu mạnh sẽ phản ánh những giá trị mà doanh nghiệp theo đuổi và phù hợp với công chúng mục tiêu. Một số khía cạnh cần lưu ý khi xây dựng hệ thống nhận diện bao gồm: 

  • Tính khác biệt: Nổi bật giữa các đối thủ cạnh tranh và thu hút sự chú ý của công chúng.
  • Đáng nhớ: Tạo ra một biểu tượng trực quan và dễ ghi nhớ. 
  • Có thể mở rộng: Có thể mở rộng và phát triển cùng với thương hiệu.
  • Linh hoạt: Có thể sử dụng trên nhiều nền tảng, ứng dụng khác nhau. 
  • Gắn kết: Mỗi một yếu tố có thể bổ sung cho nhau tạo thành một thể thống nhất
  • Dễ áp dụng: Dễ dàng sử dụng cho việc thiết kế các ấn phẩm marketing.

VII. Kết luận

Khách hàng luôn xử lý những thông tin trực quan nhanh hơn từ ngữ. Đó là lý do vì sao các công ty hàng đầu luôn chú trọng đến nhận diện thương hiệu và những điểm chạm cảm xúc mà nó tạo ra. Đây là một công cụ mạnh mẽ để tạo sự khác biệt và cảm xúc tích cực. Phát triển một hệ thống nhận diện thương hiệu chỉn chu sẽ giúp doanh nghiệp tạo ấn tượng tốt ở mọi điểm tiếp xúc. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *